Chọn ngôn ngữ

Chọn ngôn ngữ của bạn

Thời điểm phù hợp để ra quyết định chấp nhận rủi ro

Thời điểm phù hợp để ra quyết định chấp nhận rủi ro

Chấp nhận rủi ro không phải là ưu tiên hàng đầu trong các quyết định quản trị rủi ro vì việc chấp nhận rủi ro không làm giảm mức độ rủi ro hay hậu quả của rủi ro gây ra. Ngoài ra, chấp nhận rủi ro còn được hiểu là "không làm gì cả" đối với rủi ro. Vậy vì sao doanh nghiệp nên đưa ra quyết định chấp nhận rủi ro thay vì tiếp tục cải tiến để giảm mức rủi ro xuống mức thấp nhất (gần bằng 0)?

Các hướng xử lý rủi ro chính

Sau một quá trình xây dựng các mô hình và lý thuyết về quản trị rủi ro, hầu hết mọi người đều thống nhất rằng có 4 hướng xử lý rủi ro (risk treatment) chính, cụ thể:

  1. Từ bỏ rủi ro (risk avoidance)
  2. Chuyển giao rủi ro (risk transference)
  3. Giảm thiểu rủi ro (risk reduction), và
  4. Chấp nhận rủi ro (risk acceptance).

Trong đó, chấp nhận rủi ro là hướng xử lý ít được lựa chọn nhất, vì đại đa số mọi người khi nói đến quản trị rủi ro đều cho rằng quản trị rui ro là phải loại bỏ rủi ro và đưa rủi ro về 0.

(Xem thêm: Có thể triệt tiêu rủi ro, loại bỏ rủi ro, hay đưa rủi ro về mức 0?)

Dù vậy, không phải lúc nào mục tiêu của quản trị rủi ro cũng là giảm rủi ro bằng mọi giá và, đôi khi, chấp nhận rủi ro lại là lựa chọn sáng suốt nhất.

Lợi ích và chi phí trong quản trị rủi ro

Các quyết định kinh tế học và cả trong quản trị rủi ro đều cần được đưa ra dựa trên những phân tích cẩn thận giữa lợi ích nhận được và chi phí bỏ ra. Trong đó,

  • Lợi ích là bao gồm: doanh số tăng thêm, chi phí sản xuất giảm xuống, lợi nhuận tăng thêm, thời gian hoàn thành công việc giảm xuống, mức độ nhận diện thương hiệu gia tăng, v.v... ở hiện tại và trong tương lai.
  • Chi phí bao gồm: số tiền phải bỏ ra để triển khai một công cụ kiểm soát rủi ro (ví dụ: tuyển thêm người để giám sát, bỏ thêm tiền để lắp camera giám sát, v.v...) và cả chi phí cơ hội mất đi khi lựa chọn kiểm soát này thay vì kiểm soát khác (ví dụ: tuyển thêm người giúp giảm mất mát hàng hóa 50 triệu đồng/tháng, lắp camera giám sát giúp giảm mất mát hàng hóa trong hiện tại 40 triệu đồng/tháng nhưng trong tương lai lại tăng lên 60 triệu đồng tháng, như vậy, lựa chọn tuyển thêm người có lợi trong hiện tại nhưng trong tương lai là không và đây là chi phí cơ hội).

Để ra quyết định phù hợp trong quản trị rủi ro, cụ thể là khi nào sẽ tiếp tục giảm thiểu rủi ro, khi nào sẽ chấp nhận rủi ro, chúng ta phải so sánh giữa lợi ích và chi phí trong quản trị rủi ro.

Phân tích giữa lợi ích và chi phí để ra các quyết định xử lý rủi ro

Cơ sở để đưa ra quyết định chấp nhận rủi ro

Chúng ta sẽ phân tích tình huống liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển như bảng sau:

Kiểm soát được áp dụng Lợi ích Chi phí
1. Thuê tài xế giỏi Tổn thất do hàng bị hư hỏng giảm 10 triệu đồng/tháng so với khi chưa áp dụng kiểm soát. Lương cho tài xế tăng thêm 3 triệu đồng/tháng.
2. Đầu tư thùng chứa hàng chắc chắn Tổn thất do hàng bị hư hỏng giảm 6 triệu đồng/tháng so với khi chưa áp dụng kiểm soát. Chi phí đầu tư thêm phân bổ trong 1 tháng là 4 triệu đồng/tháng.
3. Chọn tuyến đường giao hàng khác, xa hơn một khoảng nhưng ít "ổ gà" Tổn thất do hàng bị hư hỏng giảm 5 triệu đồng/tháng so với khi chưa áp dụng kiểm soát. Chi phí xăng xe tăng thêm 3 triệu đồng/tháng.
4. Mua xe mới có trang bị hệ thống chống sốc hiện đại Tổn thất do hàng bị hư hỏng giảm 15 triệu đồng/tháng so với khi chưa áp dụng kiểm soát. Chi phí khấu hao phân bổ trong 1 tháng khi mua xe mới là 30 triệu đồng/tháng.

Dựa trên dữ liệu trên, ta thấy có thể áp dụng kiểm soát thuê tài xế giỏi (số 1), đầu tư thùng hàng mới (số 2), chọn tuyến đường giao hàng mới (số 3) để giảm rủi ro hàng bị hư hỏng trong quá trình giao hàng. Lý do: lợi ích nhận được là lớn hơn chi phí bỏ ra.

Tuy nhiên, đến biện pháp số 4 là chọn mua xe mới, chi phí nhận được không tương xứng với chi phí bỏ ra (15 triệu đồng so với 30 triệu đồng). Vậy nên, biện pháp số 4 này không nên được áp dụng, trừ khi có dữ liệu mới chứng minh biện pháp này đem lại lợi ích khác tiềm năng trong tương lại đủ để bù đắp chi phí bỏ ra trong hiện tại.

Do đó, sau khi đã áp dụng 3 kiểm soát có lợi cho doanh nghiệp và không còn kiểm soát nào khác tốt hơn nữa (lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra) thì đây là lúc nên đưa ra quyết định chấp nhận rủi ro.

Không nên chấp nhận rủi ro dựa trên khẩu vị rủi ro

Trong một số giáo trình, có nhận định cho rằng có thể chấp nhận rủi ro khi mức rủi ro về mức chấp nhận trong khẩu vị rủi ro.

Ví dụ: chủ doanh nghiệp có khẩu vị rủi ro chấp nhận các tổn thất thấp hơn 100 triệu đồng trong 1 năm. Theo đó, nếu tổn thất do rủi ro gây ra thấp hơn 100 triệu đồng/năm thì có thể chấp nhận và không cần phải làm gì thêm.

Khẩu vị rủi ro không nên là cơ sở để chấp nhận rủi ro.

Như phân tích ở trên, dù tổn thất của rủi ro đã giảm xuống mức thấp hơn 100 triệu đồng/năm, nhưng vẫn còn có kiểm soát hiệu quả để giảm hơn nữa (có thể giảm tổn thất chỉ còn 10 triệu đồng/năm) với chi phí bỏ ra thêm không cao thì vẫn nên tiếp tục áp dụng cải tiến thêm, thay vì chấp nhận rủi ro ngay lập tức và không làm gì thêm.

Trần Ngọc Thiện's Avatar

Trần Ngọc Thiện

Trần Ngọc Thiện là luật sư và thạc sĩ chuyên ngành kinh tế - tài chính với hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc giúp doanh nghiệp xây dựng mô hình quản trị phù hợp dựa theo quy mô và mục tiêu; nhận diện, phân tích, đánh giá các rủi ro hoạt động và pháp lý; tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân - gia đình, thương mại, doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hành chính và hình sự.

Login