Thế giới không thật sự phẳng như suy nghĩ của Friendman
Hôm nay là một ngày cuối tuần tháng Năm nóng rực. Tôi mong đợi sẽ có một cơn mưa để xóa đi sự oi bức của những ngày gần đây. Cả Maika và Google - những trợ lý ảo – đều cho tôi thông tin rằng khả năng mưa của ngày hôm nay là 50% nhưng kết quả lại không như mong đợi. Cố gắng níu kéo một chút không khí yên bình ít ỏi cuối tuần, tôi mở danh sách nhạc yêu thích trên ứng dụng Spotify, tự thưởng bản thân một ly cà phê sữa đá mát lạnh và cho các con tôi xem chương trình Cocomelon ưa thích của chúng trên Youtube.
“Đây là thế kỷ 21”, một suy nghĩ chợt lóe lên, “mình đang sống trong Thế giới phẳng mà Thomas L. Friendman nói đến”.
Chào mừng đến với kỷ nguyên của Thế giới phẳng
Quay lại thời điểm năm 2008, khi tôi lần đầu đọc Thế giới phẳng, đó không phải là một thế giới như bây giờ - năm 2023. Ở thế giới năm 2008, Apple chỉ vừa mới mở bán iPhone thế hệ đầu tiên, chưa có App Store – nền tảng phân phối các ứng dụng của Apple, và đặc biệt, chưa có Android – hệ điều hành cạnh tranh trực tiếp với iOS. Cũng ở thế giới ấy, tôi phải sử dụng đĩa CD/DVD để nghe nhạc hay xem các bộ phim yêu thích, chưa có Netflix, Vieon, FPT Play – các nền tảng xem phim trực tuyến và Spotify, Nhaccuatui, Zing MP3 – các nền tảng nghe nhạc trực tuyến chỉ mới xuất hiện, chưa phổ biến. Tôi chưa biết đến Facebook, Twitter và chưa bao giờ được trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên Tiki, Shopee hay Lazada. Mạng internet của thế giới 2008 là chậm và việc tải về một file nhạc chỉ gói gọn trong 10mb thôi cũng mất vài phút đến chục phút.
Ở thế giới hiện tại - năm 2023, tôi đang trải nghiệm rất nhiều thứ mà tôi chỉ có thể tưởng tượng khi xem các bộ phim khoa học viễn tưởng vào năm 2008. Tôi đã có thể đặt mua Thế giới phẳng trên Tiki và sách được giao đến tận tay trong vòng 2 giờ. Tôi nhắn tin và gọi video cho đồng nghiệp ở bất kỳ đâu và nhận được dữ liệu tôi cần gần như lập tức để tiếp tục xử lý công việc. Cùng lúc đó, tôi có thể lên ứng dụng Grab hoặc Shopee Now để mua một ly trà đào – thức uống ưa thích của tôi và được giao đến nơi nhanh chóng thay vì phải xếp hàng mua ở cửa hàng.
Đây là Thế giới phẳng được tạo ra thông qua Hệ thống thế giới phẳng mà Friedman đề cập – sản phẩm của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân với cáp quang và các phần mềm xử lý công việc. Mặc dù vậy, tôi cho rằng Hệ thống thế giới phẳng của Friedman đã lỗi thời ở thế giới 2023, cụ thể:
- Máy tính cá nhân trong thế giới 2023 không còn chiếm tỷ trọng lớn. Thay vào đó, máy tính bảng (table), điện thoại thông minh (smartphone), đồng hồ thông minh (smartwatch) đang dần được thay thế và sử dụng rộng rãi.
- Cáp quang không còn là công cụ duy nhất để truyền tải dữ liệu trong hệ thống internet. SpaceX của Elon Musk đã triển khai hệ thống internet vệ tinh để đưa internet đến những làng mạc xa xôi nhất mà cáp quang không vương đến được.
- Phần mềm xử lý công việc giờ đây được chia làm phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng. Chúng không chỉ chạy trên máy tính cá nhân, mà còn chạy trên máy tính bảng, điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh. Không những vậy, còn có thể chạy trên nền tảng đám mây (cloud) mà không cần cài đặt trên bất kỳ thiết bị nào.
Ở thế giới 2023, Hệ thống thế giới phẳng của tôi là sự hội tụ của các thiết bị công nghệ phần cứng (máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, v.v…) với mạng lưới truyền tải dữ liệu (cáp quang, vệ tinh, v.v…) và các phần mềm.
Thế giới không thật sự phẳng
Khi đề cập đến mười nhân tố làm phẳng, ba sự hội tự và “những sự sắp xếp vĩ đại”, Friendman muốn nhấn mạnh các nhân tố để làm phẳng thế giới gồm:
- Không còn nền chính trị bảo thủ (sau khi bức tường Berlin sụp đổ),
- Sự kết nối dễ dàng khi có mạng internet,
- Công việc được xử lý hiệu quả thông qua các phần mềm,
- Có sự chia sẻ các công cụ, phần mềm thông qua việc tải lên mạng,
- Thuê làm bên ngoài (outsourcing),
- Chuyển sản xuất ra nước ngoài (offshoring),
- Chuỗi cung ứng không gián đoạn,
- Thuê bên ngoài làm (insourcing),
- Thông tin, dữ liệu được tìm kiếm dễ dàng, và
- Các nhân tố xúc tác.
Mười nhân tố trên cùng nhau tạo ra sự hội tụ thứ nhất, sau đó kết hợp với những con người tư duy theo chiều ngang – phối hợp đồng thời (thay vì theo chiều dọc – mệnh lệnh trên xuống) để tạo ra sự hội tụ thứ hai, và hai sự hội tụ trên cùng nhau kết hợp sân chơi mới (những quy trình, tập quán mới) để tạo ra sự hội tự thứ ba, kết quả tạo ra thế giới phẳng.
Tuy nhiên, thế giới không thực sự phẳng và có thể sẽ không bao giờ phẳng hoàn toàn bởi vì những lý do sau:
- Sự tiếp cận là không như nhau: Friendman đã không đề cập rõ ràng đến nhân tố này trong cuốn sách của ông. Thay vào đó, ông cho rằng đây là vấn đề thuộc về “bình đẳng hóa” (equalizing), không phải “phẳng hóa” (flatalizing). Mặc dù vậy, ông vẫn thừa nhận rằng khi con người không có đủ cái ăn, cái mặc, sự giáo dục, cơ sở hạ tầng internet thì họ không thể tiếp cận thế giới phẳng.
- Nền chính trị bảo thủ cùng với dân tộc, văn hóa, tôn giáo thiếu cởi mở: Ở một số nơi, một số quốc gia, một số dân tộc, vẫn cho rằng toàn cầu hóa là mầm móng của hiểm họa và bất công. Ở những nơi đó, thế giới không phẳng.
- Dịch bệnh: Đại dịch covid bắt đầu vào 2019 kéo dài đến 2022 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và tự do đi lại. Khi dịch bệnh xảy ra, thế giới khó trở nên phẳng.
- Cuối cùng, chiến tranh, xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, là yếu tố tạo ra sự chia rẻ và dựng lên các bức tường ngăn cản sự phẳng hóa của thế giới.
Do đó, để thế giới trở nên phẳng, tôi cho rằng yếu tố tiên quyết đầu tiên là con người cần được đủ ăn, đủ mặc, giáo dục đầy đủ và có khả năng tiếp cận internet. Tiếp đến mới cần mười nhân tố làm phẳng và ba sự hội tụ. Cuối cùng là chúng ta cần cầu nguyện dịch bệnh, chiến tranh không xảy ra, hoặc chúng ta phải trang bị đầy đủ các vũ khí để đối phó với dịch bệnh, chiến tranh.
Chúng ta cần chạy và chạy và chạy trong Thế giới phẳng
Sự xuất hiện của mạng xã hội trong thế giới hiện nay làm cho thông tin được truyền đi rất nhanh và rất xa. Chỉ sau một đêm ngủ say và thức dậy, một tổ chức có thể sụp đổ chỉ vì một thông tin tiêu cực. Điển hình là vụ phá sản của Silicon Valley Bank gần đây. Cũng nhờ mạng xã hội, khách hàng có quyền lực nhiều hơn. Giờ đây, sự thành công của công ty không phải chỉ ở chất lượng sản phẩm tốt nhất, chi phí thấp nhất, mà còn phải làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng với các dịch vụ phụ trợ khác liên quan đến sản phẩm.
Tôi rất thích một câu tục ngữ châu Phi mà Friedman trích dẫn:
Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy,
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử nhanh nhất nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy,
Nó biết rẳng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải là việc bạn là sư tử hay linh dương,
Khi mặt trời mọc, ban nên bắt đầu chạy.
Câu tục ngữ trên cho chúng ta thấy tất cả những gì chúng ta cần phải làm trong thế giới phẳng. Đó là chạy và chạy và chạy. Nếu không muốn bị tụt hậu, bị đối thủ qua mặt và bị phá sản, chúng ta cần phải cải tiến không ngừng, cụ thể:
- Đối với cá nhân, cần không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm của chuyên gia và làm việc chuyên nghiệp để tích lũy kinh nghiệm thực tế cho bản thân.
- Đối với tổ chức, cần không ngừng đầu tư công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao chất lượng và đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Tập trung phát triển bền vững thông qua việc quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng, môi trường và hệ thống quản trị.
Cuối cùng, tôi muốn khép lại bài viết này bằng việc trích dẫn một câu nói khác trong Thế giới phẳng của Friedman khi đề cập đến Trung Quốc:
Chúng tôi sợ sói, chúng tôi nhảy múa cùng sói, chúng tôi là sói.
Chúng ta cần có sự tự tin trong thế giới phẳng.
[1] Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
[2] Thế giới phẳng (tiếng Anh: The World is Flat) được xuất bản năm 2006, là một tác phẩm của Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times có những tác phẩm và công trình nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hoá rất thành công: Nóng, Phẳng, Chật, Từ Beirut đến Jerusalem, Chiếc Lexus và cây ôliu, Từng là bá chủ.