Chọn ngôn ngữ

Chọn ngôn ngữ của bạn

có thể triệt tiêu, loại bỏ hoàn toàn rủi ro không?

Có thể triệt tiêu rủi ro, loại bỏ rủi ro, hay đưa rủi ro về mức 0?

Mong muốn loại bỏ rủi ro, triệt tiêu rủi ro hay giảm mức rủi ro về 0 là kỳ vọng hoàn toàn bình hường của bất kỳ nhà quản trị nào. Ở một môi trường hoạt động không hề có rủi ro, rõ ràng đây là một môi trường an toàn một cách lý tưởng và chúng ta không phải lo lắng bất kỳ điều gì khi ra các quyết định kinh doanh, hay thấp hơn chút, chúng ta không còn mối bận tâm nào đối với việc tính mạng, sức khỏe của người lao động hay chất lượng sản phẩm bị đe dọa gây hại. Vậy làm sao để tạo ra một môi trường hoàn toàn không có rủi ro nào?

Hiểu rõ về bản chất của rủi ro và mối nguy

Trước khi giải quyết câu hỏi làm sao để tạo ra một môi trường hoàn toàn không có rủi ro, chúng ta cần tìm hiểu lại bản chất của rủi ro và mối nguy.

  • Rủi ro được hiểu là ảnh hưởng của sự không chắc chắn lên mục tiêu.
  • Mối nguy được hiểu là những nguy cơ (hay tác nhân) tiềm ẩn có thể gây hại cho các mục tiêu.

Theo định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu mối liên hệ giữa mối nguy (hazard) và rủi ro (risk) như sau:

Rủi ro = Mối nguy x Tác động

Hay:

Mối nguy → Xác suất của những tình huống tác động → Rủi ro → Ảnh hưởng lên mục tiêu

(Xem thêm: Rủi ro và mối nguy: Phân biệt để triển khai quản trị rủi ro hiệu quả)

Phân tích sâu hơn về mặt lý thuyết, mối nguy là những nhân tố tồn tại sẵn hoặc không tồn sẵn trong môi trường hoạt động xung quanh, mối nguy là nguồn gốc tạo ra rủi ro khi kết hợp với những sự không chắc chắn và có ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu.

Có thể loại bỏ mối nguy, loại bỏ rủi ro?

Thiện & cộng sự trả lời ngắn gọn như sau:

  • Đối với mối nguy, câu trả lời là "có thể".
  • Đối với rủi ro, câu trả lời là "không".

Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn để hiểu tại sao không thể loại bỏ rủi ro, nhưng có thể loại bỏ mối nguy. Hãy xem ví dụ thực tiễn dưới đây để hiểu rõ hơn.

Ví dụ:

Nhà, căn hộ, kho bãi luôn có một rủi ro rất lớn là rủi ro hỏa hoạn. Đây là một dạng rủi ro thiên nga đen (xác suất xảy ra rất thấp, nhưng khi xảy ra thì hậu quả thường lại rất lớn).

Các mối nguy, hay nguồn gốc gây ra hỏa hoạn, được nhận diện như sau:

  • Điện bị chạm mạch.
  • Rò rĩ khí gas nhà bếp.
  • Chất dễ cháy như xăng, dầu, giấy được chất đầy trong nhà, căn hộ, kho bãi.
  • Hoặc nhà, căn hộ, kho bãi liền kề không an toàn, đã thường xuyên xảy ra hỏa hoạn trước đây, có thể cháy lan sang và gây thiệt hại cho chúng ta.

Hãy cùng phân tích giải pháp để loại bỏ hoàn toàn rủi ro hỏa hoạn cho nhà, căn hộ, kho bãi để xem liệu có khả thi.

Về lý thuyết và cả thực tiễn, để loại bỏ hoàn toàn rủi ro hỏa hoạn, chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn nguồn gốc (hay mối nguy) có thể gây ra rủi ro. Cụ thể, dựa trên các mối nguy chúng ta đã nhận diện ở trên, thì cần phải có các hành động sau:

  • Điện bị chạm mạch: Không tiếp tục sử dụng điện.
  • Rò rĩ khí gas nhà bếp: Không tiếp tục dùng gas trong nấu ăn.
  • Chất dễ cháy như xăng, dầu, giấy được chất đầy trong nhà, căn hộ, kho bãi: Loại bỏ hoàn toàn chất dễ cháy hoặc đưa chúng đi đến nơi khác.
  • Nhà, căn hộ, kho bãi liền kề không an toàn, đã thường xuyên xảy ra hỏa hoạn trước đây: mua lại những khu vực liền kề này và biến chúng thành những bãi đất trống để tạo ra hành lang an toàn để nếu lỡ có hỏa hoạn ở những khu vực xung quanh thì cũng không cháy lan sang chúng ta.

Như vậy, chúng ta đã loại bỏ tất cả những mối nguy mà chúng ta nhận diện được ở trên. Tuy nhiên, liệu rủi ro hỏa hoạn sẽ biến mất hoàn toàn nếu các mối nguy trên không còn?

Thật phũ phàng, câu trả lời cần được nói lại lần nữa là "không thể".

Lý do:

  • Dù không tiếp tục sử dụng điện, chúng ta có thể sẽ phải sử dụng nguồn năng lượng khác để phục vụ cho đời sống hay hoạt động sản xuất kinh doanh như xăng, dầu, khí đốt, v.v... và chúng tạo ra một mối nguy khác gây ra hỏa hoạn.
  • Không tiếp tục dùng gas trong nấu ăn: Trừ khi chúng ta không còn nhu cầu nấu ăn nữa, nếu không thì vẫn phải sử dụng những nguồn năng lượng khác như điện, dầu, v.v... Như vậy, rủi ro hỏa hoạn vẫn tiếp tục tồn tại.
  • Loại bỏ hoàn toàn chất dễ cháy hoặc đưa chúng đi đến nơi khác: Đây ra giải pháp khá triệt để và giúp giảm khả năng gây ra rủi ro khá nhiều nhưng không loại bỏ hoàn toàn rủi ro hỏa hoạn. Lý do: vẫn còn bàn, ghế, tủ, v.v... - những vật dụng dễ cháy.
  • Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều các mối nguy khác mà có thể chúng ta chưa thể nhận diện được.

Như vậy, khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn mối nguy này thì lại vô tình tạo ra một mối nguy khác, hoặc chúng ta chưa thể nhận diện đầy đủ toàn bộ các mối nguy để loại bỏ đầy đủ. Vì thế, các giải pháp trên không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, thay vì vậy, chúng giúp giảm mức rủi ro gần về 0.

không còn rủi ro, không còn phần thưởng

Vẫn có giải pháp để loại bỏ hoàn toàn rủi ro

Bạn thấy nghịch lý khi ở trên chúng tôi khẳng định không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, nhưng sau đó lại cho rằng vẫn có giải pháp? Thật sự thì vẫn có giải pháp nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận chi phí cho giải pháp này khá lớn.

Hãy quay lại định nghĩa rủi ro theo ISO 31000:

Rủi ro là ảnh hưởng của sự không chắc chắn lên mục tiêu.

Theo định nghĩa trên, rủi ro ảnh hưởng lên mục tiêu. Vậy giải pháp đầu tiên để không còn rủi ro là "từ bỏ mục tiêu".

Thật vậy, quay lại ví dụ trên, dù cố gắng áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, chúng ta chỉ có thể giảm rủi ro hỏa hoạn gần về 0. Cách duy nhất để rủi ro hỏa hoạn không còn là chúng ta từ bỏ, bán lại, cho tặng căn nhà của chúng ta. Theo đó, khi chúng ta không còn nhà, không còn ở trong bất kỳ căn nhà nào thì chúng ta không còn đối mặt với rủi ro hỏa hoạn.

Tuy nhiên, chi phí cho việc từ bỏ mục tiêu là khá lớn, đó là số tiền chúng ta sẽ mất đi nếu giá trị căn nhà tăng lên trong tương lai hoặc tiền cho thuê nhà hàng tháng. Có một cách khác để loại bỏ rủi ro với chi phí thấp hơn, đó là "chuyển giao rủi ro", hay dễ hình dung hơn là mua bảo hiểm cháy nổ cho căn nhà. Dù vậy, giải pháp này có nhược điểm. Cụ thể:

  • Rủi ro hỏa hoạn có thể gây thiệt hại bao gồm cả người và tài sản.
  • Bảo hiểm chỉ đền bù cho hậu quả liên quan đến tài sản.
  • Bảo hiểm không thể đền bù hậu quả liên quan đến con người vì không thể cho một người sống lại hay giúp một người bị thương tật do hỏa hoạn thành không còn thương tật.

Như vậy, biện pháp chuyển giao rủi ro chỉ loại bỏ một phần hậu quả rủi ro gây ra, không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro.

Chúng ta không cần thiết phải phòng tránh, loại bỏ rủi ro bằng mọi giá

Như đã phân tích ở trên, chúng ta không nên đặt mục tiêu trong quản trị rủi ro là tránh, loại bỏ hoàn toàn rủi ro vì đơn giản nếu có mục tiêu thì luôn có những rủi ro ảnh hưởng lên mục tiêu đó, làm lệch con đường dẫn đến mục tiêu đó.

Chúng ta không thể từ bỏ mục tiêu để đạt đến sự an toàn tuyệt đối.

Không còn rủi ro, không còn phần thưởng.

Thay vì vây, chúng ta cần giảm rủi ro về mức chấp nhận, đồng thời, cân bằng giữa chí phí và lợi ích nhận được khi triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro.

Trần Ngọc Thiện's Avatar

Trần Ngọc Thiện

Trần Ngọc Thiện là luật sư và thạc sĩ chuyên ngành kinh tế - tài chính với hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc giúp doanh nghiệp xây dựng mô hình quản trị phù hợp dựa theo quy mô và mục tiêu; nhận diện, phân tích, đánh giá các rủi ro hoạt động và pháp lý; tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân - gia đình, thương mại, doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hành chính và hình sự.

Login