Bàn luận khái niệm “Rủi ro là gì?”
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về rủi ro
Một suy nghĩ thông thường: rủi ro là những điều không tốt lành hay không tốt đẹp và hệ quả của nó là tiêu cực mà con người không mong muốn. Hay trong từ điển, rủi ro được diễn giải là một điều không may mắn.
Nhìn chung, rủi ro được định nghĩa theo một cách thông thường là: sự không may mắn và tiêu cực lên kỳ vọng của con người.
Dù vậy, các định nghĩa nêu trên đều không đầy đủ và không phù hợp với mô hình quản trị rủi ro hiện đại đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.
Rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018
Để nhận biết "rủi ro" một cách đầy đủ và phù hợp với các mô hình quản trị hiện đại, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm về rủi ro theo ISO 31000:2018. Cụ thể như sau:
Rủi ro là ảnh hưởng của sự không chắc chắn lên mục tiêu.
Theo định nghĩa trên, chúng ta cần lưu ý một số điểm quan trong sau để nhận biết rủi ro:
Thứ nhất, đó phải là sự không chắc chắn
Nói cách khác, nếu một sự vật, hiện tượng mà xác suất xảy ra là bằng 0% hoặc 100% thì không được xem là rủi ro. Giải thích rõ ràng hơn, đó là một sự vật, hiện tượng đã xảy ra (xác suất 100%) hoặc đã không xảy ra (xác suất 0%).
Ví dụ: Việc đặt cược thắng – hòa – thua ở một trận bóng đá đang diễn ra được xem là thỏa điều kiện về sự không chắc chắn vì chưa rõ kết quả như thế nào. Tuy nhiên, khi trận đấu kết thúc, kết quả đã rõ ràng thì sự kiện này không còn được xem là không chắc chắn.
Thứ hai, có ảnh hưởng lên mục tiêu
Theo đó, một sự vật, hiện tượng không ảnh hưởng lên mục tiêu thì không được xem là rủi ro. Chúng ta sẽ phân tích tiếp ví dụ trên để làm rõ việc này.
Trong ví dụ trên, khi trận đấu bóng đá đang diễn ra, đó là sự kiện không chắc chắn vì chúng ta chưa thể biết kết quả như thế nào.
- Một người A muốn đặt cược kết quả một trong hai đội sẽ thắng và mục tiêu là thắng cược. Như vậy, sự không chắc chắn trong kết quả trận bóng đá sẽ làm ảnh hưởng lên mục tiêu thắng cược của người A.
- Tuy nhiên, một người B chỉ xem bóng đá và không đặt cược, không quan tâm kết quả trận đấu. Theo đó, dù kết quả trận đấu có như thế nào thì cũng không ảnh hưởng gì lên mục tiêu của người B.
Chúng ta có thể thấy kết quả trận bóng đá là rủi ro đối với người A, nhưng không phải là rủi ro đối với người B.
Ảnh hưởng của rủi ro không phải lúc nào cũng tiêu cực
Phân tích sâu hơn khái niệm rủi ro theo ISO 31000:2018, ảnh hưởng của rủi ro lên mục tiêu hay sự kỳ vọng không phải luôn là tiêu cực, mà có bao gồm cả tích cực. Điều này khác hoàn toàn với suy nghĩ thông thường rằng rủi ro là luôn tiêu cực.
Ảnh hưởng của sự không chắc chắn lên mục tiêu có thể gây tác động tốt và cả tác động xấu.
Hãy lấy rủi ro tỷ giá để phân tích, khi tỷ giá tăng (đồng nội tệ giảm giá) thì sẽ gây tác động tích cực cho các công ty xuất khẩu (vì giúp tăng doanh thu) nhưng lại là tác động tiêu cực đối với các công ty chuyên nhập khẩu (vì làm chi phí nhập khẩu tăng). Khi tỷ giá giảm, chiều hướng tác động ngược lại. Như vậy, biến động của tỷ giá được xem là rủi ro và việc đo lường rủi ro tỷ giá là bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực lên mục tiêu lợi nhuận, không phải chỉ đo lường tác động tiêu cực.