Hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực?

Hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực?

Tài sản của chồng có trước hôn nhân có thể xem là tài sản chung của vợ chồng không? Tài sản của vợ có trong thời kỳ hôn nhân có thể xem là tài sản riêng của vợ không? Nếu được thì thực hiện như thế nào?

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một chế định mới được quy định trong pháp luật về hôn nhân gia đình để giải đáp các câu hỏi trên, đó là “thỏa thuận chế độ tài sản tiền hôn nhân” hay “hợp đồng tiền hôn nhân”.

Hợp đồng tiền hôn nhân là gì?

Luật Hôn nhân gia đình 2014 đưa ra một sự lựa chọn mới về chế độ tài sản của vợ chồng, đó là “thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng”, có thể gọi tên khác là “thỏa thuận chế độ tài sản tiền hôn nhân” hoặc “hợp đồng tiền hôn nhân”.

Luật Hôn nhân gia đình 2014 không đưa ra định nghĩa cụ thể về “hợp đồng tiền hôn nhân”, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, “hợp đồng tiền hôn nhân” là những thỏa thuận giữa vợ và chồng về chế độ tài sản của vợ chồng trước hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân, và nội dung của những thỏa thuận này có thể khác với quy định của pháp luật.

Để dễ hiểu, Trần Ngọc Thiện sẽ đưa ra một số ví dụ sau:

  • Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình, tài sản hình thành trước hôn nhân là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, vợ chồng có thể thỏa thuận tài sản hình thành trước hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.
  • Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Nếu không muốn, vợ và chồng có thể thỏa thuận tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ hoặc chồng có được tài sản đó.

Như vậy, nếu vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng và thỏa thuận này trái với quy định của pháp luật thì vẫn sẽ ưu tiên áp dụng thỏa thuận này để phân chia tài sản vợ chồng sau này.

Làm sao để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực?

Để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực, phải đảm bảo có đầy đủ các yếu tố sau:

  • Thỏa thuận được lập trước khi kết hôn,
  • Thỏa thuận được lập thành văn bản,
  • Thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực.

Do đó, nếu hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là thỏa thuận miệng, hoặc được lập sau khi đã kết hôn, hoặc không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng tiền hôn nhân sẽ bị vô hiệu.

Có thể thỏa thuận những gì trong hợp đồng tiền hôn nhân?

Pháp luật về hôn nhân gia đình hiện nay chỉ mới cho phép vợ chồng được thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trong “hợp đồng tiền hôn nhân”, luật chưa quy định cho phép vợ chồng được thỏa thuận các vấn đề khác như quyền nuôi con, quyền ly hôn, quyền cấp dưỡng, v.v…

Cụ thể, các nội dung cơ bản mà pháp luật cho phép vợ chồng thỏa thuận trong hợp đồng tiền hôn nhân là:

  • Phân định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng,
  • Thỏa thuận không có tài sản riêng của vợ chồng, tất cả tài sản do vợ chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung,
  • Thỏa thuận không có tài sản chung của vợ chồng, tất cả tài sản do vợ chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó,
  • Nguyên tắc phân chia tài sản nếu hôn nhân chấm dứt,
  • Và các thỏa thuận khác.

Kết luận

Đến đây, chúng ta có thể trả lời các câu hỏi đã được đặt ra ở phần đầu. Theo đó, tài sản của chồng có trước hôn nhân có thể xem là tài sản chung của vợ chồng, tài sản của vợ có trong thời kỳ hôn nhân có thể xem là tài sản riêng của vợ. Để thực hiện được những điều này, vợ và chồng phải thỏa thuận bằng văn bản trước khi kết hôn và văn bản phải được công chứng, chứng thực.

Trần Ngọc Thiện's Avatar

Trần Ngọc Thiện

Trần Ngọc Thiện là luật sư và thạc sĩ chuyên ngành kinh tế - tài chính với hơn 12 năm kinh nghiệm trong việc giúp doanh nghiệp xây dựng mô hình quản trị phù hợp dựa theo quy mô và mục tiêu; nhận diện, phân tích, đánh giá các rủi ro hoạt động và pháp lý; tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân - gia đình, thương mại, doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hành chính và hình sự.

Chọn ngôn ngữ

Chọn ngôn ngữ của bạn

Login