Doanh nghiệp có thể giảm lương nhân viên vì Covid-19?
Dịch bệnh Covid-19 làm cho nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh việc lây lan trong cộng đồng. Tình hình này kéo dài đã gây ra khá nhiều thiệt hại đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã triển khai khá nhiều phương án để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19, và một trong những phương án được các doanh nghiệp cân nhắc là giảm lương của nhân viên.
Ở đây có 2 vấn đề được đặt ra:
- Doanh nghiệp có thể giảm lương của nhân viên không?
- Nếu có thể thì doanh nghiệp phải làm như thế nào theo quy định pháp luật hiện nay?
Chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng vấn đề trên.
Doanh nghiệp có thể giảm lương nhân viên?
Đầu tiên, cần nói rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam bảo vệ quyền lợi của người lao động rất lớn. Chính vì vậy, theo pháp luật về lao động, doanh nghiệp không được quyền tự ý giảm lương nhân viên mà không có lý do, và ngay cả khi có lý do chính đáng thì việc giảm lương nhân viên cũng phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo luật định.
Tiếp theo, căn cứ Bộ luật Lao động 2019, chỉ những trường hợp dưới đây thì doanh nghiệp mới được quyền giảm lương của nhân viên:
- Trường hợp 1: Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh (theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019).
- Trường hợp 2: Người lao động đồng ý giảm lương thông qua việc ký một hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, mức lương mới vẫn phải phù hợp với thang lương, bảng lương và định mức lao động mà doanh nghiệp đã ban hành, và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (theo Điều 33, 91, 93 Bộ luật Lao động 2019).
- Trường hợp 3: Người lao động phải bồi thường thiệt hại do lỗi của người lao động gây ra (theo Điều 129, 130 Bộ luật Lao động 2019).
Như vậy, ngoài các trường hợp kể trên, doanh nghiệp không được phép giảm lương nhân viên.
Doanh nghiệp có thể giảm lương nhân viên vì dịch bệnh covid-19?
Câu trả lời là có thể.
Vì dịch bệnh Covid-19 là dịch bệnh nguy hiểm nên doanh nghiệp có thể áp dụng Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 để chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như trường hợp 1 đã kể trên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để áp dụng Điều 29, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo luật định và thời gian có thể giảm lương nhân viên không kéo dài quá 60 ngày cộng dồn trong 1 năm. Vấn đề này sẽ được phân tích cụ thể ở phần tiếp theo.
Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn có thể thỏa thuận lại mức tiền lương đối với người lao động thông qua việc ký kết hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động như đã đề cập ở trường hợp 2.
Doanh nghiệp cần làm những thủ tục gì nếu muốn giảm lương nhân viên?
Trường hợp 1: Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động (theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019)
Doanh nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau:
- Phải thông báo cho người lao động trước ít nhất 03 ngày làm việc về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động với lý do dịch bệnh Covid-19.
- Thời hạn chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm.
- Phải áp dụng mực tiền lương cũ cho người lao động trong 30 ngày làm việc. Sau đó, nếu mức tiền lương mới thấp hơn mức cũ thì tiền lương mới phải bằng ít nhất 85% tiền lương cũ.
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp muốn chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động. Trường hợp người lao động không đồng ý dẫn đến ngừng việc thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp 2: Người lao động đồng ý giảm lương thông qua việc ký hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hơp đồng lao động (theo Điều 33 Bộ luật Lao động 2019)
- Phải thông báo cho người lao động trước ít nhất 03 ngày làm việc về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
- Người lao đồng phải đồng ý ký hợp đồng lao động mới hoặc phụ lục hợp đồng lao động với nội dung điều chỉnh mức lương mới.
Lưu ý: Nếu người lao động không đồng ý sửa đổi hợp đồng lao động thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động theo mức lương hiện tại.
Còn những trường hợp nào mà doanh nghiệp có thể giảm lương nhân viên?
Trên thực tế, đối với nhân viên kinh doanh, doanh nghiệp thông thường ký hợp đồng lao động theo hình thức hai mức lương:
- Mức lương “cứng”: được thể hiện trong hợp đồng lao động, và
- Mức lương theo kết quả kinh doanh: không được thể hiện trong hợp đồng lao động.
Đối với trường hợp này, nếu doanh nghiệp không trả lương theo kết quả kinh doanh hoặc giảm mức lương theo kết quả kinh doanh thì không trái quy định pháp luật, miễn là doanh nghiệp vẫn trả đầy đủ lương “cứng” theo hợp đồng lao động.